Mỗi một doanh nghiệp lại có một phương pháp tính lương khác nhau tuỳ theo tính chất,lĩnh vực, mô hình kinh doanh. Vậy xCyber sẽ tổng hợp cho bạn 5 phương pháp tính lương phổ biến cho nhân sự, bạn đọc tham khảo trong bài viết dưới đây nhé!
Phương pháp tính lương theo sản phẩm
Trả lương theo sản phẩm là hình thức trả lương dựa vào số lượng và chất lượng sản phẩm mà nhân sự làm ra. Người sử dụng lao động sẽ định mức khối lượng sản phẩm cho người lao động trong một thời gian nhất định với số tiền công tương ứng cho mỗi sản phẩm.
– Căn cứ xác định: Theo điểm b khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
– Đối tượng áp dụng: Với những công việc yêu cầu sản xuất khối lượng hàng lớn trong thời gian nhất định.
– Công thức tính lương: Lương = Số lượng sản phẩm * Đơn giá lương một sản phẩm
– Thời điểm trả lương: Trả theo định kỳ thời gian.
– Phân loại lương theo sản phẩm:
- Lương theo sản phẩm trực tiếp mà 1 cá nhân hoàn thành
- Lương theo sản phẩm cho nhóm công nhân hoàn thành
- Lương theo sản phẩm cho công nhân gián tiếp cùng tham gia hoạt động sản xuất với công nhân trực tiếp sản xuất
- Lương theo sản phẩm kết hợp với chế độ tiền thưởng trong sản xuất như tiến độ làm việc nhanh, chất lượng sản phẩm.
Ví dụ 1: Nhân viên P đã bán được 10 sản phẩm trong tháng 1. Mỗi sản phẩm được tính lương là 1.000.000 VNĐ. Lương của nhân viên P tháng 1 sẽ là 10 x 1.000.000 VNĐ = 10.000.000 VNĐ.
Ví dụ 2: Một đội sản xuất (gồm 5 thành viên) của công ty A làm được tổng 1000 sản phẩm trong tháng 8. Mỗi sản phẩm được tính lương cho toàn đội là 50.000 VNĐ. Lương của đội sản xuất đó trong tháng 8 sẽ là: 1000 x 50.000 VNĐ = 50.000.000 VNĐ.
Phương pháp tính lương theo thời gian
– Căn cứ tính lương:
- Thời gian làm việc thực tế của người lao động: Tháng, ngày, giờ
- Mức lương thỏa thuận ban đầu giữa doanh nghiệp với người lao động.
– Cách tính:
*Cách thứ nhất:
Lương tháng = Lương thỏa thuận/ số ngày làm việc trong tháng x số ngày đi làm thực tế
- Lương tháng thường cố định.
- Số tiền mỗi ngày công là cố định. Người lao động nghỉ bao nhiêu ngày thì chỉ cần nhân lên bấy nhiêu lần sẽ ra lương bị trừ trong tháng.
Ví dụ: Lương thỏa thuận của anh Thắng với công ty Nam Hồng là 6.000.000 đồng/tháng (Bao gồm cả phụ cấp ăn trưa. Tháng 03/2013, anh Thắng đi làm đủ, không nghỉ ngày nào. Số ngày công chuẩn của tháng 3 là 27 ngày.
Tháng 3/2013, anh Thắng nhận được số tiền lương là: 6.000.000/27 x 27 = 6.000.000 (đồng)
*Cách thứ hai:
Lương tháng = Lương thỏa thuận/ 26 x số ngày công đi làm thực tế trong tháng
- Ngày công chuẩn hàng tháng khác nhau nên lương tháng cũng khác nhau giữa các tháng. Ví dụ: tháng 2/2013 số ngày công chuẩn là 25, tháng 3/2013 số ngày công chuẩn là 27….
- Khi nghỉ không hưởng lương, người lao động có thể cân nhắc tháng nghỉ để thu nhập của họ ít ảnh hưởng nhất. Điều này có thể ảnh hưởng tới tình hình sản xuất cuả doanh nghiệp khi nhiều nhân viên cùng chọn nghỉ vào những tháng có ngày công chuẩn lớn nhằm giảm thiểu tiền công bị trừ.
Ví dụ: Lương thỏa thuận của anh Thắng với công ty Nam Hồng là 6.000.000 đồng/tháng (Bao gồm cả phụ cấp ăn trưa. Tháng 03/2013, anh Thắng đi làm đủ, không nghỉ ngày nào. Số ngày công chuẩn của tháng 3 là 27 ngày.
Tháng 3/2013, anh Thắng nhận được số tiền lương là: 6.000.000/26 x 27 = 6.230.769 (đồng)
Phương pháp tính lương theo hình thức khoán
Trả lương khoán là hình thức trả lương cho người lao động dựa vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
– Căn cứ xác định: Theo điểm c khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
– Đối tượng áp dụng: Áp dụng cho những công việc hoàn thành tổng thể mà không phải trả lương theo từng chi tiết, từng giai đoạn.
– Thời điểm trả lương: Sau khi hoàn thành công việc hoặc tạm ứng trước nếu thời gian thực hiện dài.
– Phân loại lương theo lương khoán: Không phân loại.
Ví dụ: Công ty A thuê một người lao động sơn tường và dọn dẹp toàn bộ văn phòng vào ngày 20.03. Chỉ cần người đó sơn tưởng và dọn dẹp sạch sẽ văn phòng sẽ nhận được mức lương là 5.000.000 VNĐ. Mức lương 5.000.000 VNĐ trong trường hợp này được gọi là hình thức trả lương khoán.
Phương pháp tính lương theo doanh số
Lương doanh số = (Mức lương doanh số) x (Tỷ lệ tính lương doanh số)
Trong đó:
– Mức lương doanh số: Xác định/thỏa thuận ngay từ ban đầu.
– Doanh số chỉ tiêu: Giao đầu mỗi tháng.
– Doanh số thực đạt: Thực tế bán được trong tháng.
– Tính tỷ lệ đạt doanh số: Doanh số thực đạt/Doanh số chỉ tiêu
Xác định tỷ lệ tính lương doanh số dựa vào tỷ lệ đạt doanh số và căn cứ theo chính sách lương doanh số của Công ty.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp không chỉ đơn thuần áp dụng duy nhất hình thức trả lương theo doanh số mà còn kết hợp đồng thời 02 hình thức: Trả lương theo thời gian + trả lương theo doanh số để áp dụng trả lương cho lao động có kết quả công việc gắn liền với doanh số.
Kỳ hạn trả lương theo Bộ Luật lao động mới nhất
Kỳ hạn trả lương được quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
– Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
– Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
– Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
– Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.