Trong lực lượng lao động xã hội, phụ nữ chiếm gần một nửa (48%). Lao động phụ nữ có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực lao động, kể cả trong một số nghề nặng nhọc, độc hại. Cùng với trách nhiệm của một người lao động, phụ nữ còn là người mẹ, người thầy của đàn con. Do vậy, ảnh hưởng của lao động nữ tới sự phát triển của xã hội hiện tại và tương lai là rất lớn.
Chính vì thế, trong các bộ luật được ban hành, vị trí, vai trò của lao động nữ luôn được đề cao với những chính sách theo kịp sự tiến bộ của thế giới văn minh. Đối với lao động nữ trong thời kỳ thai sản, các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO có quy định: Không được phép lao động trong thời kỳ 06 tuần sau khi sinh; trong thời gian lao động được nghỉ 2 lần, mỗi lần 30 phút để cho con bú; được trở lại vị trí lao động cũ, hưởng mức lương cũ trước khi sinh; trong thời gian nghỉ trước và sau khi sinh theo quy định, lao động nữ vẫn được hưởng lương hoặc nhận trợ cấp an sinh xã hội tương đương …
Căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay, căn cứ quy định của các Công ước quốc tế, quy định về sức khỏe nghề nghiệp của lao động nữ mang thai … các quy định của Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 của Việt Nam về lao động nữ đã hoàn toàn đáp ứng, có nhiều điểm còn tiến bộ hơn hẳn, thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về phụ nữ và bình đẳng giới.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai rất dễ bị tổn thương về sức khoẻ cho cả bà mẹ và bào thai. Do vậy, Bộ luật Lao động 2019 quy định lao động nữ được nghỉ thai sản 06 tháng (nghỉ trước sinh không quá 02 tháng). Trong thời gian này, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của BHXH và có thể nghỉ thêm không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động. Khi trở lại làm việc, lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ hoặc được bố trí việc mới với mức lương không thấp hơn trước khi nghỉ thai sản. Khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau hay bản thân thực hiện các biện pháp khám thai, tránh thai, lao động nữ được hưởng trợ cấp theo quy định về BHXH.
Để được hưởng chế độ thai sản, theo quy định tại Luật BHXH 2014 (Điều 31), người lao động phải đáp ứng 02 điều kiện: Thuộc một trong các trường hợp: Lao động nữ mang thai, sinh con, mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động thực hiện biện pháp triệt sản. Đồng thời có thời gian tham gia BHXH phù hợp (Đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi; đóng BHXH bắt buộc từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước sinh với đối tượng lao động nữ phải nghỉ việc dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở KCB có thẩm quyền).
Lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, khi sinh con được hưởng những quyền lợi sau đây:
- Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng (Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014);
- Được hưởng trợ cấp thai sản, mức hưởng trợ cấp một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ thai sản, nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn (khoản 1 Điều 39 Luật BHXH 2014 và khoản 1 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH);
- Được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con (Điều 38 Luật BHXH năm 2014);
- Được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đối với trường hợp lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.
- Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên, tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật và tối đa 5 ngày đối với các trường hợp khác. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (Điều 41 Luật BHXH 2014).