Được tham gia bảo hiểm xã hội là quyền lợi bắt buộc đối với người lao động khi giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Tuy nhiên trước khi được chính thức nhận vào làm tại các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động sẽ cần phải trải qua giai đoạn thử việc. Vậy chính sách bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được quy định như thế nào khi họ ký kết hợp đồng thử việc với công ty, doanh nghiệp?
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Hợp đồng thử việc
Chưa có một khái niệm rõ ràng về hợp đồng thử việc, Bộ Luật Lao động 2019 cũng chỉ quy định về thử việc tại khoản 1 Điều 24 như sau:
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Như vậy, hợp đồng thử việc là thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động về việc làm thử. Những thỏa thuận liên quan đến công việc làm thử như điều kiện làm việc, quyền và lợi ích giữa các bên… (tương tự như nội dung của các hợp đồng chính thức) cũng sẽ được ghi nhận tại hợp đồng thử việc.
Đóng bảo hiểm xã hội và hợp đồng thử việc
Khi ký kết hợp đồng thử việc, người lao động có được đóng các loại bảo hiểm hay ko? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần biết: các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Luật số 58/2014/QH13):
“Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng”.
Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không quy định các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là các đối tượng ký hợp đồng thử việc.
Vì thế, người lao động ký hợp đồng thử việc sẽ không phải đóng BHXH và doanh nghiệp nơi người lao động ký hợp đồng thử việc cũng không có trách nhiệm phải đóng BHXH cho người lao động khi chưa có hợp đồng lao động chính thức. Người lao động ký hợp đồng thử việc cũng không được hỗ trợ đóng BHXH nếu không có thỏa thuận với người sử dụng lao động.