8 điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc

8 dieu kien duoc huong tro cap thoi viec avt 2048x1580 1

Khi người lao động chấm dứt hợp động lao động ở cơ quan, đơn vị trước đó đã tiến hành sử dụng người lao động sẽ có trách nhiệm chi trả cho người lao động các khoản về trợ cấp thôi việc theo đúng quy định nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để được hưởng trợ cấp thôi việc người lao động phải đáp ứng điều kiện theo quy định.

I. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

Căn cứ tại Điều 48 Bộ Luật Lao động 2012 và Điều 14, Điều 15 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động.

Căn cứ Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/12/2018.

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng trợ cấp thôi việc được quy định như sau:

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho Người lao động (NLĐ) đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên trong các trường hợp sau:

– Thứ nhất, hết hạn hợp đồng lao động;

– Thứ hai, đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

– Thứ ba, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;

– Thứ tư, người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án;

– Thứ năm, người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;

– Thứ sáu, người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

– Thứ bảy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 Bộ Luật lao động;

– Thứ tám, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ Luật lao động;

II. Các trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc

Trong trường hợp người lao động không làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc. Cùng với đó còn có các trường hợp khác không được hưởng trợ cấp thôi việc, cụ thể:

– Người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.

– Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.

– Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải

III. Mức hưởng trợ cấp thôi việc

Tiền trợ cấp thôi việc được trả cho người lao động theo nguyên tắc: Cứ mỗi năm làm việc được hưởng trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Công thức tính:

Tiền trợ cấp thôi việc = ½  x  Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc  x  thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Trong đó:

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc: Là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc (theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH). Bao gồm:

– Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng. Đối với người hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương này tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

– Phụ cấp lương (khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố điều kiện lao động, tính phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ).

– Các khoản bổ sung khác.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc: là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc (theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP).

– Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động gồm:

+ Thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động;

+ Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;

+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản;

+ Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương;

+ Thời gian nghỉ hàng tuần;

+ Thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương;

+ Thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn;

+ Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công mà được người sử dụng lao động trả lương;

+ Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;

+ Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

-Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

+ Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp;

+ Thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp;

+ Thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính theo năm (đủ 12 tháng). Trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 – 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Trả lời

Contact Me on Zalo