Dưới đây là 5 mẫu văn bản nội bộ mà doanh nghiệp và người lao động cần nắm rõ. Đây đều là những mẫu văn bản thông dụng trong doanh nghiệp, việc nắm được những mẫu văn bản này sẽ giúp các quy trình khai báo của doanh nghiệp và người lao động diễn ra thuận lợi hơn.
Mẫu văn bản Bảng phân bổ tiền lương, BHXH theo Thông tư 133
Trường hợp sử dụng Bảng phân bổ tiền lương, BHXH theo thông tư 133
Bảng phân bổ tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Thông tư 133 dùng để tập hợp và phân bổ tiền lương, tiền công thực tế phải trả cho người lao động (gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp), bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và kinh phí công đoàn phải trích nộp trong tháng cho các đối tượng sử dụng lao.
Số liệu của bảng phân bổ này được sử dụng để ghi vào các bảng kê và các sổ kế toán có liên quan tùy theo hình thức kế toán áp dụng ở đơn vị (như Sổ Cái hoặc Nhật ký – Sổ cái TK 334, 338…), đồng thời được sử dụng để tính giá thành thực tế sản phẩm, dịch vụ hoàn thành.
Đối tượng áp dụng
Mẫu bảng phân bổ tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Thông tư 133: áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế lựa chọn thực hiện Chế độ kế toán doanh nghiệp theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
Mẫu văn bản Quyết định tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác
Trường hợp công ty được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác
Công ty được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong trường hợp:
– Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước; hoặc
– Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh: doanh nghiệp phải quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà công ty được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Thời hạn tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác
– Công ty được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm.
– Trường hợp công ty chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Mẫu văn bản Phiếu xuất kho vật tư, hàng hóa cho các bộ phận sử dụng trong doanh nghiệp
Trường hợp sử dụng mẫu văn bản Phiếu xuất kho vật tư, hàng hóa cho các bộ phận sử dụng trong doanh nghiệp
Phiếu xuất kho được lập cho một hoặc nhiều thứ vật tư, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hoá cùng một kho dùng cho một đối tượng hạch toán chi phí hoặc cùng một mục đích sử dụng.
Mục đích của việc lập phiếu xuất kho: Theo dõi chặt chẽ số lượng vật tư, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hoá xuất kho cho các bộ phận sử dụng trong doanh nghiệp, làm căn cứ để hạch toán chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm, dịch vụ và kiểm tra việc sử dụng, thực hiện định mức tiêu hao vật tư.
Hướng dẫn sử dụng mẫu văn bản Phiếu xuất kho vật tư, hàng hóa cho các bộ phận sử dụng trong doanh nghiệp
– Phiếu xuất kho do các bộ phận xin lĩnh hoặc do bộ phận quản lý, bộ phận kho lập (tùy theo tổ chức quản lý và quy định của từng doanh nghiệp) thành 3 liên (đặt giấy than viết 1 lần).
– Sau khi lập phiếu xong, người lập phiếu và kế toán trưởng ký vào phiếu và chuyển cho giám đốc hoặc người được uỷ quyền duyệt (ghi rõ họ tên) rồi giao cho người nhận cầm phiếu xuống kho để nhận hàng.
– Sau khi xuất kho, thủ kho ghi vào cột 2 số lượng thực xuất của từng thứ, ghi ngày, tháng, năm xuất kho và cùng người nhận hàng ký tên vào phiếu xuất (ghi rõ họ tên).
– Các liên của phiếu xuất kho được lưu giữ như sau:
+ Liên 1: Lưu ở bộ phận lập phiếu.
+ Liên 2: Thủ kho giữ để ghi vào thẻ kho và sau đó chuyển cho kế toán để kế toán ghi vào cột 3, 4 của phiếu xuất kho và ghi vào sổ kế toán.
+ Liên 3: Người nhận vật tư, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa giữ để theo dõi ở bộ phận sử dụng.
Mẫu văn bản Phiếu nhập kho vật tư, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa
Trường hợp cần sử dụng mẫu văn bản Phiếu nhập kho vật tư, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa
Phiếu nhập kho vật tư, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là phiếu nhập kho) áp dụng trong các trường hợp: nhập kho vật tư, công cụ, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa mua ngoài, tự sản xuất, thuê ngoài gia công chế biến, nhận góp vốn, hoặc thừa phát hiện trong kiểm kê.
Những lưu ý cho doanh nghiệp khi lập phiếu nhập kho
– Phiếu nhập kho do bộ phận mua hàng hoặc bộ phận sản xuất lập.
– Phiếu nhập kho được lập thành 2 liên (đối với vật tư, hàng hóa mua ngoài) hoặc 3 liên (đối với vật tư tự sản xuất) bằng cách đặt giấy than viết 1 lần.
– Sau khi lập xong phiếu và có chữ ký của người lập phiếu ký, người giao hàng mang phiếu đến kho để nhập vật tư, dụng cụ, sản phẩm, hàng hoá.
– Sau khi nhập kho xong, thủ kho ghi ngày, tháng, năm nhập kho và cùng người giao hàng ký vào phiếu, thủ kho giữ liên 2 để ghi vào thẻ kho và sau đó chuyển cho phòng kế toán để ghi sổ kế toán và liên 1 lưu ở nơi lập phiếu, liên 3 (nếu có) người giao hàng giữ.
Mẫu văn bản Kiểm kê tài sản cố định theo Thông tư 200 và Thông tư 133
Biên bản kiểm kê tài sản cố định nhằm xác nhận số lượng, giá trị tài sản cố định hiện có, thừa thiếu so với sổ kế toán trên cơ sở đó tăng cường quản lý tài sản cố định và làm cơ sở quy trách nhiệm vật chất, ghi sổ kế toán số chênh lệch.
Phân loại tài sản cố định của doanh nghiệp
Căn cứ vào khoản 1 Điều 6 Thông tư 45/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 147/2016/TT-BTC), đối với tài sản cố định (sau đây viết tắt là TSCĐ) dùng cho mục đích kinh doanh, doanh nghiệp tiến hành phân loại như sau:
– Loại 1: Nhà cửa, vật kiến trúc: là tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành sau quá trình thi công xây dựng như trụ sở làm việc, nhà kho, sân bãi, các công trình trang trí cho nhà cửa, đường xá,…
– Loại 2: Máy móc, thiết bị: là toàn bộ các loại máy móc, thiết bị dùng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy móc chuyên dùng, thiết bị công tác, dây chuyền công nghệ, những máy móc đơn lẻ,…
– Loại 3: Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn (như hệ thống thông tin, hệ thống điện, đường ống nước, ống dẫn khí,…)
– Loại 4: Thiết bị, dụng cụ quản lý: là những thiết bị, dụng cụ dùng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy vi tính phục vụ quản lý, thiết bị, dụng cụ đo lường, kiểm tra chất lượng, máy hút ẩm, hút bụi,…
– Loại 5: Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm
– Loại 6: Các tài sản cố định là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế quản lý, khai thác, sử dụng
– Loại 7: Các loại tài sản cố định khác: là toàn bộ các tài sản cố định khác chưa liệt kê vào sáu loại trên.
Đối tượng áp dụng mẫu văn bản Kiểm kê tài sản cố định của doanh nghiệp
– Mẫu biên bản kiểm kê TSCĐ theo Thông tư 133: áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế thực hiện chế độ kế toán doanh nghiệp theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
– Mẫu biên bản kiểm kê TSCĐ theo Thông tư 200: áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế thực hiện chế độ kế toán doanh nghiệp theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (bao gồm cả các các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lựa chọn Chế độ kế toán doanh nghiệp theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC).
Lời kết
Trên đây là 5 mẫu văn bản nội bộ mà doanh nghiệp và người lao động cần biết. Để cập nhật thêm những thông tư, văn bản quan trọng khác, các bạn hãy tiếp tục theo dõi các bài viết trên website và fanpage của xCyber nhé.